Thân thế Mã_Hy_Ngạc

Mã Hy Ngạc là con trai thứ 20 của Mã Ân- người lập ra nước Sở, và có em cùng mẹ là Mã Hy Sùng.[4]

Khi quân chủ thứ ba của Sở là Mã Hy Phạm (huynh của Mã Hy Ngạc) mất vào năm 947, Mã Hy Ngạc lúc này có chức tước là Vũ Bình[c 1] tiết độ sứ- tri Vĩnh châu[c 2] sự. Tướng tá của Sở thảo luận về việc chọn người kế vị, Đô chủ huy sở Trương Thiếu Địch (張少敵), Đô áp nha Viên Hữu Cung (袁友恭) ủng hộ Mã Hy Ngạc do ông là người lớn tuổi nhất trong số các huynh đệ khi đó.[5] Do Mã Ân khi qua đời từng di mệnh rằng các con phải truyền lại ngôi vị cho huynh đệ[6] Trong khi đó, Thường trực đô chỉ huy sứ Lưu Ngạn Thao (劉彥瑫), Thiên Sách phủ học sĩ Lý Hoằng Cao (李弘皋), Đặng Ý Văn (鄧懿文), Tiểu môn sứ Dương Địch (楊滌) đều muốn lập em cùng mẹ với Mã Hy Phạm là Vũ An[c 3] tiết độ phó sứ (Mã Hy Phạm là tiết độ sứ) Mã Hy Quảng. Trương Thiếu Địch nói rằng "Vĩnh châu lớn tuổi và tính khí cứng cỏi, rõ ràng sẽ không chịu ở bên dưới Đô uý. Nếu lập Đô uý, cần phải nghĩ kế lâu dài để chế ngự Vĩnh châu khiến ông ta thuận theo không thể hành động. Nếu không, xã tắc sẽ lâm nguy." Thiên Sách phủ học sĩ Thác Bạt Hằng (拓拔恆) thì nói "Tam thập ngũ lang tuy xử lý chính sự quân phủ, song Tam thập lang lớn tuổi hơn, thỉnh cầu khiển sứ giả dùng lễ nhượng lại. Nếu không, tất sẽ phát sinh tranh đoan." Tuy nhiên, đám Lưu Ngạn Thao nói rằng "Ngày nay, quân chính trong tay, trời cho không giữ mà để người khác có được, thì sau này chúng ta có thể an toàn được không ?". Mã Hy Quảng nhu nhược, không thể tự quyết. Đến ngày Ất Mùi (11) tháng 5, tức ngày 2 tháng 6, đám Lưu Ngạn Thao tuyên bố theo di mệnh của Mã Hy Phạm lập Mã Hy Quảng làm quân vương. Trương Thiếu Địch nhận định tai hoạ sắp đến, ông và Thác Bạt Hằng đều cáo bệnh không ra ngoài.[5]

Thiên Sách tả ty Mã Hy Sùng bí mật viết thư cho Mã Hy Ngạc nói rằng đám Lưu Ngạn Thao làm trái di mệnh tiên vương, phế trưởng lập thiếu, nhằm kích động Mã Hy Ngạc. Mã Hy Ngạc từ Vĩnh châu đi gấp về kinh để chịu tang, ngày Ất Mùi (12) cùng tháng, tức 1 tháng 8, thì đến Phu Thạch (趺石). Lưu Ngạn Thao đề xuất với Mã Hy Quảng cho Thị tòng đô chỉ huy sứ Chu Đình Hối (周廷誨) đem thuỷ quân đến chặn, lệnh cho tướng sĩ Vĩnh châu phải cởi áo giáp mới được đi tiếp đến Trường Sa. Mã Hy Ngạc được tiếp đãi tại Bích Tương cung (碧湘宮) và để tang tại chỗ đó, không được đi gặp Mã Hy Quảng. Sau đó, Mã Hy Ngạc xin được về Lãng châu (朗州, thủ phủ của Vũ Bình). Chu Đình Hối khuyên Mã Hy Quảng giết Mã Hy Ngạc, song Mã Hy Quảng nói "Ta sao nỡ giết huynh? Nên phân Đàm (潭州, tức Trường Sa)- Lãng mà cai trị." Mã Hy Quảng ban tặng nhiều cho Mã Hy Ngạc và cho về Lãng châu. Tuy nhiên, Mã Hy Sùng tiếp tục dò xét Mã Hy Quảng cho Mã Hy Ngạc, buông lời kích động, nguyện làm nội ứng.[5]

Năm 948, Mã Hy Ngạc thỉnh với Hoàng đế Hậu Hán Lưu Thừa Hựu xin được triều cống độc lập với Mã Hy Quảng (Sở là chư hầu của Hậu Hán), xin được ban riêng quan tước (tức là yêu cầu phân chia Sở về chính thức). Mã Hy Quảng bèn tặng nhiều quà cho các quan chức chấp chính của Hậu Đường. Cuối cùng, đến ngày Nhâm Tý (7) tháng 9, tức 11 tháng 10 năm 948, Lưu Thừa Hựu ban chiếu thư cho Mã Hy Ngạc và Mã Hy Quảng, bảo rằng "Huynh đệ cần phải hoà thuận, phàm là đồ cống của Mã Hy Ngạc đều cần phải dựa theo danh nghĩa của Mã Hy Quảng." Mã Hy Ngạc không thuận.[7]